Khả năng dùng lửa, cảm giác xấu hổ, tư thế đứng thẳng là ba trong số những yếu tố quan trọng nhất khiến con người khác biệt muôn loài, Livescience khẳng định.
1. Sống lâu sau khi không còn khả năng sinh con
Phần lớn động vật sinh con cho tới khi chết hoặc chết rất nhanh sau khi mất khả năng sinh nở. Nhưng ở loài người, phụ nữ có thể sống rất lâu sau khi ngừng sinh con. Theo giới khoa học, rất có thể những mối quan hệ xã hội của loài người giúp chúng ta chiến thắng quy luật của tạo hóa.
2. Tuổi thơ dài
Loài người được cha mẹ chăm sóc lâu hơn nhiều so với những loài động vật linh trưởng khác. Nhưng theo quy luật tiến hóa ở động vật, con non phải tự lập càng sớm càng tốt để cha mẹ chúng có thể sinh ra nhiều lứa sau. Quy luật này buộc con non phải lớn rất nhanh nên “tuổi thơ” của chúng khá ngắn ngủi. Nhiều nhà khoa học giải thích rằng bộ não của chúng ta quá lớn so với cơ thể nên nó cần nhiều thời gian hơn để phát triển và tiếp thu kiến thức.
3. Xấu hổ
Con người là loài duy nhất biết xấu hổ. Charles Darwin – cha đẻ của thuyết tiến hóa – từng gọi đó là “hành vi đặc thù nhất của con người so với những loài động vật khác”. Tuy nhiên giới khoa học vẫn tranh cãi về nguyên nhân khiến con người xấu hổ. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là: Xấu hổ giúp con người duy trì tính trung thực và tính trung thực tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng.
4. Dùng lửa
Khả năng điều khiển lửa của loài người giúp tổ tiên của chúng ta nhìn thấy môi trường xung quanh trong bóng đêm và xua đuổi thú dữ. Sức nóng của lửa giúp người nguyên thủy sưởi ấm trong thời tiết băng giá và cho phép họ sống ở những khu vực lạnh lẽo. Lửa giúp chúng ta nấu, nướng thức ăn. Nhờ đó mà thức ăn trở nên dễ nhai và tiêu hóa hơn. Các nhà khoa học cho rằng thói quen nhai thức ăn chín khiến kích thước răng và dạ dày của con người giảm dần theo thời gian.
5. Mặc quần áo
Con người có thể được gọi là “động vật linh trưởng trần”, song ngày nay phần lớn chúng ta mặc quần áo. Đó là những thứ khiến con người trở nên đặc biệt nhất trong thế giới động vật. Thậm chí quá trình phát triển của trang phục còn tác động tới sự tiến hóa của nhiều loài khác. Chẳng hạn, quần áo của chúng ta cung cấp môi trường sống cho chấy, rận. Nhưng nhiều loài vật cũng đã hoặc sắp tuyệt chủng vì loài người cần da, lông của chúng để sản xuất quần áo.
6. Tiếng nói
Thanh quản của con người nằm thấp hơn trong cổ họng so với tinh tinh. Đó là một trong nhiều yếu tố giúp con người có khả năng phát ra tiếng nói. Trên thực tế thanh quản của chúng ta mới hạ thấp cách đây khoảng 350.000 năm. Xương móng (nằm dưới lưỡi) của người cũng được hạ thấp theo thời gian. Chiếc xương có hình móng ngựa này đặc biệt ở chỗ nó không gắn với bất kỳ xương nào trong cơ thể. Điều đó cho phép chúng ta phát âm rõ ràng khi nói.
7. Bàn tay
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, con người không phải là loài động vật duy nhất có ngón tay cái nằm ở phía đối diện với những ngón khác. Trên thực tế phần lớn động vật linh trưởng có ngón tay cái như vậy. Đa số động vật linh trưởng cỡ lớn có ngón chân cái nằm ở phía đối diện so với các ngón kia, nhưng ngón chân cái của người lại nằm cùng phía. Người là động vật linh trưởng duy nhất có khả năng đưa ngón cái tới khắp nơi trên bàn tay và chạm đầu ngón tay út, áp út vào phần cuối của ngón tay cái. Sự linh hoạt cao độ của bàn tay giúp chúng ta nắm chặt mọi vật và thực hiện những thao tác khéo léo với chúng.
8. Ít lông
Trên thực tế loài người có diện mạo “trần trụi” hơn nhiều so với các loài động vật linh trưởng vì chúng ta có ít lông trên cơ thể hơn. Tuy nhiên, số lượng nang lông trên mỗi cm vuông da người cũng bằng (thậm chí nhiều hơn) so với động vật linh trưởng khác. Nguyên nhân khiến con người có vẻ “trần trụi” hơn là lông của chúng ta mảnh hơn, ngắn hơn và nhẹ hơn so với khỉ, vượn hay tinh tinh.
9. Đứng thẳng
Nhân loại đặc biệt hơn so với những động vật linh trưởng khác ở chỗ chúng ta đứng thẳng trong phần lớn thời gian tồn tại (trừ lúc ngủ). Tư thế đó giúp đôi tay của người thoát khỏi nhiệm vụ di chuyển để cầm nắm công cụ lao động. Thật không may, xương chậu của chúng ta phải thu nhỏ để thích nghi với tư thế đứng thẳng. Thay đổi ấy, cùng với bộ não khá lớn của bào thai người, khiến cho việc sinh đẻ của người trở nên nguy hiểm hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới động vật. Đó chính là cái giá mà chúng ta phải chấp nhận để được đứng thẳng. Cách đây một thế kỷ thì sinh con là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tư thế đứng thẳng cũng khiến con người dễ bị đau và căng cơ ở vùng thắt lưng.
10. Bộ não khác thường
Chẳng ai phủ nhận thứ khiến chúng ta khác biệt so với phần còn lại của thế giới động vật là bộ não. Con người không phải là loài có bộ não lớn nhất thế giới. Nếu xét về kích thước bộ óc, chúng ta thua xa voi, cá nhà táng và nhiều loài khác. Não của hàng trăm loài chim chiếm tới 8% khối lượng cơ thể, trong khi não người chỉ chiếm 2,5%. Mặc dù vậy, não người (chỉ nặng khoảng 1,4 kg khi phát triển đầy đủ) lại giúp chúng ta tư duy, suy luận và tiếp thu kiến thức - những khả năng không xuất hiện ở bất kỳ loài động vật nào khác.
:ngacnhien: