Người ta thường ví cuộc đời của mỗi người là một dòng sông, trôi thăng trầm qua biết bao bờ bến lạ, để khám phá cuộc sống và neo giữ trong lòng những ký ức thăm thẳm về dòng chảy của riêng mình.
Tôi thích những hành trình đi dọc dòng sông từ những ngày còn rất bé. Tôi đã từng đi dọc dòng sông Vàm Cỏ Đông quê hương tôi, và giờ đây thêm một lần nữa được xuôi trên dòng chảy Thu Bồn của xứ người.
Dòng chảy không chỉ giản đơn là hình ảnh của những con sóng, mà giữ trong lòng nó những ký ức miên miết thẳm sâu với bao dấu ấn về những thăng trầm của lịch sử, của đời người.
Sông Thu Bồn là lưu vực sông lớn nhất tỉnh quảng Nam với diện tích rộng trên 10.000 km², là sông có tiềm năng thủy điện lớn thứ 4 cả nước.
Sông được hình thành từ nhiều dòng suối nhỏ, bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao trên 2.500m thuộc huyện Nam Trà My và đổ ra biển cửa Đại, TP Hội An.
Dòng chảy Thu Bồn ở phía thượng nguồn đi ngang qua huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) ngăn chia hai thôn Đồng Làng và Ngọc Linh.
Đây cũng là hai nơi khắc tên mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tịch và Lê Thị Nghê đã hy sinh con mình để cứu bộ đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Hang Hòn Kẽm vẫn còn hiện hữu giữa hồn thiêng sông núi và trong ký ức thăm thẳm của con người ở miền đất này.
Thôn Đồng Làng chưa đầy 40 nhân khẩu, nằm cách biệt bên dòng sông như một vùng đất hoang sơn giữa chập chùng rừng núi.
Sông Thu Bồn hợp với hạ lưu sông Vu Gia ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cả 2 dòng sông đã trải phù sa cho vùng đất này; rồi lại hòa cùng dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An và cuối cùng đổ ra biển cửa Đại.
Đi dọc dòng sông, để một lần được cảm nhận sự mênh mông đến vô biên của đất trời, để một lần được lắng nghe những thăng trầm của lịch sử.
Dòng Thu Bồn đã đi vào thơ ca đẹp dịu dàng như hình ảnh của người thiếu nữ, nhưng dòng nước này cũng đã làm tang thương cuộc sống của dân làng vào những mùa lũ dữ.
Và có những phận đời đã mưu sinh mải miết với dòng chảy Thu Bồn – vẫn thầm lặng những chuyến đò ngang mà đi dọc đời người …